January 2, 2012

TÌM NHAU

                   

Tôi thường chia sẻ với bạn bè: Những lần hội ngộ là những buổi trưng bày đồ cổ, ở đó không hạn chế không gian hoặc tính chất sự vật… Mọi người có quyền đem ra tất cả những gì đã có của một thời dưới mái trường Nguyễn Hoàng - các thứ được mang ra khỏi tủ kiếng, cẩn thận phủi bụi, trang trọng đặt lên những kệ, những giá hoặc mượt mà sân cỏ để mình và… người khác (nếu muốn) cùng chiêm ngắm mà không phải nhìn trước ngó sau. Tôi thực sự tâm đắc với ý nghĩ này của mình, bởi qua nhiều lần như thế ở góc rất khuất, tôi phát hiện được nhiều điều thú vị, mới lạ khác nhau. Điều độc đáo nữa là hầu hết mọi người rất trân quý đồ cổ nên sau thời gian ấn định đã nghiêm túc đặt lại vị trí cũ, mặc dầu rất tiếc nuối. Trong khoảnh khắc ấy, họ như muốn mang hết quá khứ trở về, trọn vẹn với nét hồn nhiên trẻ trung muôn thuở, tạm thời quên đi vị trí hiện tại … mặc Ông, mặc Bà, tôi bận chăm sóc đồ cổ của tôi....
***
Đã nhiều lần tôi chớp được ánh mắt diệu vợi của một chàng - người đã từng đi qua những lần họp mặt và hôm nay - chàng tìm một chỗ thuận lợi để quan sát, để ngắm Hoàng Thị ngày xưa của mình. Chàng không nói năng tiếp xúc với một ai, trong cái tĩnh lặng của tâm hồn chàng như sống lại ngày tháng cũ, trên sân trường hay trên đoạn đường Quang Trung ngắn ngủi, ngắm nàng!... Thế thôi, chưa một lần tiếp xúc, có lẽ với chàng thì nàng là cánh hoa mỏng manh, là tách pha lê trong suốt dễ vỡ...
Ngày xưa ấy… có chàng tuổi trẻ bắt được tín hiệu không như thiên hạ thường tình: dưới tán cây phượng, bậc cầu thang hay trên lối đi về mà lúc nàng cắn bút làm bài thi, bất chợt ngước lên. Ôi!Đôi mắt biết cười ánh lên sự tinh nghịch, nửa như mời gọi, nửa như thách đố” trong tích tắc ấy đã đánh động trái tim, thôi thúc chàng cất bước. Để rồi những cuộc hẹn hò, những lần sánh vai trên khu phố cổ, những tưởng sẽ nắm tay nhau cùng đi trên vạn nẽo, nhưng Tóc mai sợi vắn, sợi dài. Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm lại là chuyện thường tình có từ ngày xửa ngày xưa… Chàng vẫn quẩn quanh, vào ra ở nơi oằn vai của đất nước, nàng như bóng chim tăm cá, lúc tìm được dấu ở rừng thì lại nghe về biển. Cứ thế, thời gian với quay cuồng thế sự, cũng đã gần 50 năm rồi còn gì nhưng trong tâm tưởng chàng  thì “chút phấn mỏng manh trên đôi cánh sắc màu rực rỡ chấp chới ấy cứ vương lại” để rồi “vẫn nuôi niềm hy vọng ... mãi dõi mắt về phía trời xa, để mong một phút tình cờ gặp gỡ....”. Phải chăng niềm hy vọng ấy là một trong những yếu tố quyết định để lần này chàng mạnh dạn vượt đại dương, với niềm tin… một phút tình cờ gặp gỡ.
Khi lòng người có được sự thành khẩn, tâm nguyện cao nhất họ sẽ đạt đến bến bờ mong đợi... Có điều là họ không muốn nhìn nhau để nao lòng với nhân dáng theo quy luật của thời gian, mà chỉ là vang vọng âm thanh quen thuộc, ngọt ngào của ngày nào để cùng nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về đường cũ nên thơ… Phút giây ngắn ngủi ấy là hương hoa của tâm hồn, là son phấn để trang điểm cuộc đời… và con tim đã vui trở lại…
Có loại đồ cổ chỉ như nét chấm phá, những phác thảo trong bức tranh lập thể, ai muốn hiểu gì cũng được... Đó là ánh mắt thoáng dừng lại trên hành lang; ở văn phòng nhà trường hay vào giờ ra chơi. Ánh mắt ấy nếu được con tim đối diện nhận ra điều gì đó, gợn lên cái gì đó thì… có thể là tín hiệu để sau này nhận diện, như hạt giống được ném vào lòng đất.
Ai đó bình thản rảo bước trên lối nhỏ của mình như bao thành viên khác của nhân loại, không bận tâm về quá khứ, chẳng băn khoăn về tương lai... cứ nghĩ như thế cho đến cuối đời. Tuy nhiên cuộc sống không tròn trịa như ta tưởng, số phận đã run rủi, cùng một thời điểm, ở phương trời khác nhau, cả hai đều lẻ bóng, nỗi buồn, niềm cô đơn ập đến, như bóng đêm bao phủ làm héo úa những ngày cuối đời. Thời gian qua đi, nghiệm ra được lẽ vô thường của Trời Đất cùng sự bủa vây của những tâm hồn trẻ như mang lại sinh khí... nhất là những buổi “tương phùng”. Chả thế mà vào một dịp hội ngộ, trong niềm xúc động dâng tràn khi gặp lại học trò cũ, nàng đã bất chợt phán rằng “…chưa thể chết nếu chưa gặp lại những người thương mến ngày xưa”. Lời phán này như một ... sấm ký mà trong tận cùng sâu thẳm, muốn bày tỏ với ai đó!? Thế là trong lần vỗ cánh vượt trùng dương này lời sấm kia đã ứng nghiệm. Choáng ngợp với cảnh quan hoành tráng của một xứ sở văn minh xa lạ, cùng ngập tràn hạnh phúc với tình cảm dạt dào của Thầy Trò năm cũ, trong vô vàn cảm xúc ập đến nàng bắt gặp tín hiệu ngày xưa, hạt giống năm nào rơi xuống, lăn lóc nổi trôi, bây giờ đủ duyên để nẩy mầm (!?)
 Trái tim không già. Trái tim vẫn rạo rực kiếm tìm như chưa bao giờ được như thế! Mong cả hai cùng nhau hoàn tất tác phẩm của mình...
Trong vô số những gian hàng chưng bày đồ cổ lại có một Hoàng Thị của ngày nay:
" Xoay nửa vòng trái đất
Đi tìm Anh để yêu..."
Nàng vẫn còn nét trẻ trung của một thời sân trường tràn đầy sức sống, hừng hực niềm đam mê tìm kiếm như chưa bao giờ đủ. Nàng - mỗi bước đi là một khám phá. Nàng muốn ghép từng mảnh nhỏ để hình thành một thứ... đồ cổ. Với dáng vẻ điệu đàng trong phong thái kiêu sa, đài các, nàng đão mắt... giữa bao tia nhìn, nàng nhập vào tần số của chàng trai trẻ - một thời hiên ngang như chú gà hùng dũng, vỗ cánh cất vang tiếng gáy giữa sân trường... Vốn là một nữ sinh tài giỏi, có trí nhớ tuyệt vời, nàng đã từng thuộc 3254 câu Kiều nhưng trong giây phút ấy nàng chỉ nhớ được một câu: Người đâu gặp gỡ làm chi? Những động thái tình cảm tự nhiên bày tỏ, họ có những phút giây riêng tư ngắn ngủi thật đẹp, pha đủ sắc màu như đang trở lại cái thuở ban đầu của lứa đôi hò hẹn...  Nhưng chàng ý tứ biểu lộ trong một chừng mực nào đó, luôn giữ một khoảng cách an toàn, tôn trọng điều lệ về cách thức và thời gian... và dừng lại ở đó. Dấu đi sự tiếc nuối, trang trọng đặt những mảnh nhỏ vừa ghép vào tủ kiếng, nàng chỉ còn cách đắm đuối ngắm nhìn… Ừ! Nàng đành phải nhớ thêm câu Kiều tiếp thôi: Trăm năm biết có duyên gì…
Cách không xa vị trí ấy, trong lúc mọi người tưng bừng bận rộn với muôn vàn kỷ niệm, có một lãng tử xoay xoay ly cafe với đôi mắt mông lung... Chàng không đến bởi nửa vầng trăng đang in gối chiếc trong căn nhà xinh xắn ở lưng chừng đồi bên kia bán cầu... Gót chân gió bụi chiến chinh một lần ghé thăm trường cũ... đã tan tác, đang gom lại, nép mình dưới Ngũ Hành Sơn, chẳng phải tình cờ để một cô giáo trẻ tự nhiên tiếp đón, tại sao không là ai mà là nàng?! Để rồi, mặc dầu ai cũng có ngõ lối đi khác nhau, nhưng trong sự rung động bất chợt theo lý lẽ của con tim... Cả hai đều có ngăn tủ riêng cất dấu chuyện của mình, để thỉnh thoảng như lúc này, hé mở liếc nhìn - cũng một cách tìm đến với nhau....
 Và sau cùng - bọn tôi bây giờ đã là Cụ Độ, cụ Phiệt, lão Tony hay ông già An Lạc, vẫn còn thừa trẻ trung để choàng vai, ôm lưng nhau, say sưa nói cười như chưa bao giờ vui sướng như thế. Bọn tôi - mỗi đứa một phương, cùng tìm đến để tâm đắc từng lời, ý thơ hay con chữ trong cái duyên văn nghệ.  
***
Cũng có người ví von những lần gặp gỡ như thế này là... giờ ra chơi! Điều đặc biệt ở đây là Thầy Cô và Học Trò đều ào ra sân, tạm quên đi thứ bậc, tuổi tác, danh xưng, chỉ còn lại trọn vẹn trái tim yêu thương với đầy đủ chức năng của nó. Chúng ta không ăn mày dĩ vãng, chúng ta mang dĩ vãng về sống sâu sắc trong khoảnh khắc hiện tại - như là một cách chế tác năng lượng hạnh phúc để yêu cuộc sống hơn, bởi cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.

                                                                              Lê Văn Trạch
                                         (Viết theo gợi ý của Một Tiểu Muội những mẫu chuyện
                                         bên lề Hội ngộ Nguyễn Hoàng tại Nam - Cali ngày 3/9/2011)