August 3, 2011

THIÊN CHỨC

Tản mạn về Văn Học Dân Gian

Trong sách Sáng Thế Ký: “Người phụ nữ được tạo dựng từ xương sườn người nam, vì cùng thân xác nên đưa đến một liên hệ khắng khít hơn cả liên hệ giữa người nam và cha mẹ mình. Sự tạo dựng này như để đem lại cho nhân loại một yếu tố “không hoàn hảo”. Nếu không có yếu tố ấy thế giới sẽ không chạy tốt và khi người đàn bà nghe lời con rắn để  ăn trái cấm trong Vườn Địa Đàng để không phải chết như đã có lời răn trước đó là: Ông Bà sẽ không chết, nhưng Thiên Chúa biết rằng ăn trái cấm xong, mắt Ông Bà sẽ mở ra với biết bao sự hiểu biết và cảm nhận và rồi Bà Eva đem trái cấm ấy cho Ông ADong cùng ăn !

Điều hiểu biết và cảm nhận đầu tiên là những biểu hiện về Tình Yêu và như thế chúng ta cũng tự hiểu rằng nhân vật chủ động trong vấn đề này không ai khác hơn là Eva, người phụ nữ. Tuy nhiên, do yếu tố vật lý cấu thành thể chất và để ứng phó với môi trường chung quanh mà tồn tại, người đàn ông đã biểu lộ khả năng chinh phục của mình, từ đó tạo ra những quyền lực tuyệt đối, không chế toàn bộ cơ cấu tổ chức xã hội, đồng thời để thỏa mãn những tham ái, họ đặt ra những luật lệ ràng buộc, độc đoán, dưới nhiều nhãn hiệu , mỹ từ khác nhau, làm nên một tường thành kiên cố giam hãm, không cho người phụ nữ phát huy, thực hiện thiên chức của mình lúc ban sơ mà chỉ biết cúi đầu chấp nhận:
Cha mẹ đặt gióng sửa triêng
Phải sao chịu vậy chớ trùng triềng mà đau vai !

Người Mẹ là nạn nhân ban đầu nhưng khi nhập vào guồng máy rồi thì phải tiếp tục quay vòng theo nó, có khi rất hăng say và quyết liệt trong việc áp đặt những tư tưởng kiểm soát tình cảm vào đời con, đời cháu mình. Cha Mẹ ở đây là đại diện cho cả một quyền lực khổng lồ trong xã hội phong kiến.

Xin mở một dấu ngoặc để trở về lịch sử thời dựng nước: Vào đời Vua Hùng Vương thứ 3, công chúa Tiên Dung - người con gái độc nhất được Vua thương yêu nuông chiều, một hôm nàng đến bãi biển làng Chử Xá để tắm, tình cờ gặp Chử Đồng Tử và bị ngay “tiếng sét ái tình”. Nàng cho người về cung trình báo với Vua cha để xin làm lễ thành hôn với chàng, nhưng đời nào nhà vua chấp thuận: Một  “cành vàng lá ngọc” lại đi kết nghĩa trăm năm với một kẻ chẳng có “khố rách áo ôm! “ Mặc kệ, chàng và nàng vẫn cứ chung sống và lập thái ấp riêng rất trù phú. Vua tức giận cho quân lính đến hỏi tội, nhưng Chử Đồng Tử có thần thông và thế là chàng và nàng cùng bay về tiên cảnh, đó cũng là một cách thăng hoa, vượt thắng! Có thể nói Công Chúa Tiên Dung là người tiên phong trong thế chủ động tình yêu của người phụ nữ Việt Nam.

Trở về thời gian gần hơn, hãy nghĩ đến Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, tuyệt tác một thời bị lên án và cấm đọc (đàn ông chớ đọc Phong Thần, đàn bà chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều). Nguyên nhân tại vì Thúy Kiều do tình yêu thôi thúc mà đã dám cả gan hai lần chui tường qua gặp Kim Trọng, một hành động bị cho là đồi trụy (nữ đáo nam phòng nữ tắc dâm!).
                        Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường
                        Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa
                        Bây giờ rõ mặt đôi ta
                        Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao !”
Kiều đã nắm bắt yếu tố: “Thiên - Địa – Nhân” sau khi gặp nhau trong hội Đạp Thanh, hai bên “tình trong như đã, mặt ngoài còn e “ nên Kim Trọng đến thuê nhà trọ gần nhà Kiều. Nàng biết, làm bộ đánh rơi trâm cài cho chàng nhặt được rồi được trả lại và sau đó, lúc gia đình về quê ngoại, Kiều khai bệnh ở nhà để tự do gặp Kim Trọng - nên trước mặt, qua mắt được cha mẹ để khởi đầu mối tình bất diệt với chàng.
...... Chứ không có như cô gái nào đó:
                        Hôm qua Anh đi trước cửa nhà Nàng
                       Thấy cha mẹ đập Nàng, Nàng khóc Nàng than
                        Nhà Nàng cửa sổ song loan
                        Anh muốn ghé lưng vô chịu
                        Trận đòn oan cho nàng
Nàng bị đòn là vi “đêm hôm” dám lén đi chơi với trai, một việc làm ngoài vòng lễ giáo, phải trừng trị thích đáng, đối với Cha Mẹ, chẳng oan chút nào cà. Nhưng điều gì đã kkiến cô liều mạng thế:
                        Em cứ tưởng Cha Mẹ đập Em vài ba roi
                        Chớ ai ngờ lại đập đến chín chục, một trăm roi
                        Em bò lăn, bò lóc
                        Em khóc đứng, khóc ngồi
                        Anh ơi, dù bầm lưng máu chảy
                        Em vẫn nguyện trọn đời yêu Anh
Thật dễ sợ, sự rung động của con tim đã vượt qua tất cả mọi đớn đau của thân xác, trong bối cảnh của thời ấy mà dám khẳng định như thế, chứng tỏ cường độ của tình yêu trong cô gái đã đạt đến mức độ nào! Sự biểu lộ ấy làm chàng trai vô cùng xúc động, để diễn bày những động thái tình yêu cho lòng nàng ấm lại:
                        Cha Mẹ đập em chín chục, một trăm roi
                        Đều vô một chỗ, máu đổ bầm da
                        Em ơi, đừng khóc, đừng có la
                        Rồi ta tìm nơi mô vắng vẻ
                        Để ta bóp với thoa lần lần
Hai người đã tìm một nơi đồng không mông quạnh để tránh con mắt dị nghị của thiên hạ, nhưng chẳng có chuyện gì dấu được sau lũy tre làng. Chuyện thoa bóp đêm qua, sáng ra cả làng đều biết, chàng và nàng lại gặp nhau, kiểm chứng xem có sơ suất ở “khâu” nào để ai đó thấy không, nhưng cả hai nhìn nhau mà lắc đầu:
                        Con mèo, con chó cũng không
                        Bụi tre một chắc, ngoài đồng chẳng có ai !
Thế nhưng vẫn có những anh chàng đã không “ghé lưng vô chịu” mà khi nghe người yêu kể lể sự đau đớn của mình lại không tin hay là giả đò thế để được nhìn ngắm những lằn roi trên da thịt nàng?
                        Vì chàng Thiếp bị đòn oan
                       Không tin thì dở áo: ngó lằn dọc lằn ngang trên mình
Mỗi cô gái có một thế đỡ khác nhau, nhưng tựu trung vẫn một lòng son sắt với người đã thệ ước.
                        Thầy Mẹ đánh thiếp đàng trước
                        Thiếp chạy ngõ sau
                        Đạo can trường há dễ bỏ nhau sao đành !

Cũng có cô gái liều lĩnh bỏ ngoài tai cái chuyện “Nam nữ thọ thọ bất thân”, thấy chàng rơi xuống nước đã không ngại ngùng:
                        Anh đi mô mà trợn trạo, trợn trạc
                        Trúc cổ xuống sông
                        Em đây liều ướt áo
                        Nhảy xuống sông bồng Anh lên!
Nàng đâu biết đó là thủ đoạn của chàng trai !
                        Anh giả đò lộn cổ xuống sông
                        Để được Em ôm, Em bế, Em bồng Anh lên !
Trong thời xa xưa ấy, chuyện tình yêu gắn liền với hôn nhân, chứ không “văn nghệ” như bây giờ. Không yêu thì thôi, đã yêu thì phải nên vợ thành chồng chứ không lơ tơ mơ gì cả:
                        Đã thương thì thương cho chắc
                        Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn
                        Đừng như con thỏ nọ đầu truông
                        Khi vui đùa bóng, lúc buồn giỡn trăng
Và có một chuẩn mực cân nhắc trước khi thực hiện vấn đề đó là “môn đăng hộ đối”. Những chàng trai khốn khổ thương cảm cho thân phận: ngại ngùng, lúng túng - nhất là những người tứ cố vô thân - mặc dầu trong lòng đã yêu nàng da diết:
                        Một tay Anh cầm chai rượu
                        Một tay Anh xéc buồng cau
                        Đi ngõ sau Cha Mẹ chê Anh khó
                        Đi ngã trước chú bác nói Anh nghèo
                        Nhắm chừng duyên nợ cheo leo
                        Sợ nước to sóng vẫy
                        Liệu có chống chèo chi được không?
Nhưng trái tim thì không biên giới và có một ngôn ngữ riêng của nó, cô gái không bận tâm đến những vinh hoa tầm thường, sẽ tìm mọi cách để thuyết phục:
                        Cha Mẹ không thương Anh
                        Em đây miệng bẩm chân quỳ
                        Em lựa lời năn nỉ vân vi
                        Rồi thương em chừng mô thì thương Anh chừng nấy
                       Nỏ can chi mô mà Anh phiền
Cho dù là kín cổng cao tường với bao nhiêu răn đe nghiêm cấm, chuyện yêu đương vẫn cứ xảy ra theo những tình tự hẹn hò, trông ngóng, nhớ những ray rứt:
                        Trách anh sao vội ra về
                        Để cho giông bão ê chề trong em
Đôi khi chỉ xảy ra một phía: Tình yêu đơn phương, nàng yêu thầm, nhớ trộm nhưng chàng đâu có hay, đành ấp ủ hình bóng ấy trong suốt cả cuộc hành trình và đến khi “trăng tàn bóng xế” lại hạnh ngộ, biết ăn nói gì đây:
                        Tuổi thanh xuân thiếp nỏ gặp chàng
                        Bây giờ ông sóm, mụ sém, hai đàng gặp nhau !
Không ai biết thời gian từ khi Bà Eva dâng trái Cấm cho ADong ăn đến bây giờ là bao nhiêu triệu năm?! Trí óc con người cũng đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của trái đất chừng ấy lần !? Diễn tiến đó cũng đã tạo ra trong xã hội, nhiều khu vực, nhiều giai tầng có những cách sống, nhu cầu phục vụ và thụ hưởng hoàn toàn cách biệt.  Nhưng có một điều hình như không thay đổi, vẫn nguyên vẹn như ngày nào và hàng tỉ người đều có những động thái giống nhau, đó là Trái Tim với những yêu thương của nó do sự khởi động từ người phụ nữ.
Trải qua chặng đường thật dài thăng trầm dâu bể của kiếp nhân sinh, yếu tố đó có những lúc như chỉ âm ỉ dưới đống tro tàn, thân phận của họ, đôi khi bị đặt ở vị trí thấp kém nhưng vẫn nuôi dưỡng được hạt giống để có cơ duyên là nẩy mầm, đơm hoa kết trái. Chính họ là người thừa hưởng và mang hạt giống ấy từ Bà Eva để đi vào tương lai.
Vinh danh không phải chỉ là những lời nói suông, khi đưa ra những thực chứng về sinh hoạt lứa đôi trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn để hiểu được niềm tin, son sắt vào thế chủ động của mình như là người giữ lửa, người nắm thiên chức tình yêu. Phải ghi nhận và thực sự chia sẻ những điều ấy. Dâng tặng một bó hoa cũng chẳng nghĩa lý gì bởi vì chính người phụ nữ là một đóa hoa tuyệt đẹp của nhân loại rồi và phấn hoa đã tỏa ra để tạo nên môi trường mát dịu cho quả đất.
           
Ở khía cạnh vinh danh khác, xin mượn một câu nói của một người Mỹ: Women are half the population
and the mothers of the other half ! (Người đàn bà chiếm một nửa tổng số của nhân loại và là Mẹ của
một nửa còn lại).